Trồng đậu rồng như thế nào để thu hoạch được thật nhiều quả
Có một loại đậu khi cắt ngang quả chúng ta sẽ thấy khá giống với quả khế, chúng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Đó chính là đậu rồng – loại đậu không mấy xa lạ với người Việt Nam. Nếu bạn cũng yêu thích chúng và muốn tự trồng tại nhà thì bạn đừng nên bỏ qua bài viết này. Khuyến Nông TPHCM sẽ đem đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích từ cách chuẩn bị, cách trồng, những kỹ thuật chăm sóc đúng chuẩn để cây cho nhiều quả nhất. Ngoài ra, với bài viết này, bạn cũng sẽ hiểu hơn về đặc tính, về hàm lượng dinh dưỡng và những công dụng của chúng đối với sức khỏe.

Cây đậu rồng là cây gì ?
Đây là một trong những cây trồng thuộc họ Đậu (Fabaceae). Người ta còn biết đến chúng với cái tên khác là cây đậu khế hay đậu cánh, đậu xương rồng. Tên khoa học là Psophocarpus tetragonolobus. Đậu Rồng là loại cây thân leo có nguồn gốc từ Châu Phi, Ấn Độ, New Guinea. Chúng được trồng phổ biến ở các quốc gia Đông Nam Á, Philippines, Ghana,… và nhiều nhất ở Indonesia.
Giống cây đậu này sống được nhiều năm nhờ vào phần củ to nằm bên dưới đất. Là cây thân leo nên chúng có xu hướng leo giàn, kích thước thân lên đến 3m. Lá đậu rồng có 3 lá chét hình tam giác nhọn.
Hoa mọc ra từ nách lá, mọc theo chùm gồm 3 – 6 hoa đơn màu trắng hoăc tím. Quả đậu màu vàng – xanh lục, chia thành các cạnh như quả khế nhưng chúng chỉ có 4 cánh. Mép quả có hình răng cưa. Bên trong quả có đến 20 hạt.
Hạt đậu rồng có dạng hình cầu, tùy theo giống mà hạt có những màu khác nhau, có thể màu trắng, nâu, vàng hay đen. Mỗi hạt chỉ nặng khoảng 3 gram.
Loại đậu này khá dễ trồng, sinh trưởng và phát triển nhanh chóng. Đặc biệt là những khu vực nhiệt đới hay cận nhiệt đới.
Thành phần quả này giàu vitamin A, vitamin E, axit amin, lysin, methionin, cystin… Đặc biệt, thành phần calcium trong quả đậu rồng nhiều hơn so với đậu nành hay đậu phộng. Hơn nữa, thành phần protein cũng rất cao. Nhờ đó mà tuy không cao giá nhưng đây vẫn là loại quả rất bổ dưỡng.
Nhưng một đặc điểm giống với những cây họ đậu khác là chứa purin nên chúng không phù hợp với những bệnh nhân gout, những người thường bị khó tiêu, đầy bụng, bị nhứt nửa đầu,… Lưu ý, khi ăn đậu rồng cần luộc kỹ, bỏ nước và nấu chín hạt đậu.

Cách trồng đậu rồng
Chuẩn bị dụng cụ và đất trồng
Với việc trồng đậu rồng tại nhà, bạn cần chuẩn bị khay chậu nhựa, bao xi măng hoặc thùng xốp,… Chỉ cần dụng cụ có lỗ thoát nước để cây không bị úng nước là được.
Đất trồng phù hợp là loại đất tơi xốp, giàu mùn. Có thể dùng đất tribat sau đó trộn với vỏ trấu, xơ dừa, phân gà, phân bò hoặc các loại phân có nguồn gốc hữu cơ khác.
Chuẩn bị hạt giống
Hiện nay hạt giống đậu rồng đang được bán khá nhiều nơi. Bạn lựa chọn nơi uy tín để có hạt chất lượng. Tiêu chuẩn hạt cần đảm bảo độ to tròn, độ mẩy, độ bóng và thường có màu nâu.
Tiến hành ngâm ủ và gieo hạt
Để kích thích hạt giống nảy mầm nhanh chóng và loại bỏ bớt sâu bệnh, bạn cần ngâm ủ hạt qua nước ấm tỷ lệ pha nước 2 sôi : 3 lạnh trong thời gian 1 – 2 giờ. Ngâm xong bạn rửa lại hạt và ủ trong khăn ấm tầm nửa ngày cho hạt nứt nanh rồi đem gieo. Nếu bạn bỏ qua bước này, tỷ lệ hạt nảy mầm sẽ không đảm bảo.
Do đậu rồng là cây dây leo cần nhiều dinh dưỡng nuôi dây, nuôi quả nên bạn trồng với mật độ vừa phải. Mỗi thùng chỉ gieo tầm 4 – 5 hạt rồi lấp đất lại và tưới nước nhẹ nhàng để cấp ẩm cho hạt nhanh nảy mầm.

Kỹ thuật chăm sóc đậu rồng
Quá trình cây sinh trưởng, phát triển bạn cần lưu ý những yếu tố sau đây:
Tưới nước
Mỗi ngày bạn nên cung cấp đầy đủ nước cho cây bằng cách tưới nước vào buổi sáng sớm và chiều mát. Lưu ý không tưới quá nhiều dễ khiến cây bị ngập úng.
Không nên tưới đậu rồng vào ban đêm dễ làm ẩm đất tạo môi trường cho sâu bệnh phát sinh.
Giai đoạn cây ra hoa, kết quả là lúc nhu cầu nước cao nhất. Bạn nên lưu ý để đáp ứng kịp thời.
Bón phân
Cung cấp phân bón là việc làm cần thiết để cây đủ dinh dưỡng. Cứ nửa tháng bạn lại cung cấp một đợt phân bón cho cây bằng những loại phân hữu cơ, phân trùn quế, phân gà, phân dê, phân bò,… Bạn có thể hòa loãng phân vào nước rồi tưới vào gốc cây.
Làm giàn, tỉa cành
Khi cây đậu rồng phát triển, chúng sẽ dùng tua cuốn để leo lên giàn. Do vậy, bạn cần thiết kế giàn leo và hướng thân cây theo ý bạn muốn để chúng lan rộng đều khắp giàn. Giàn cây có thể làm hình chữ A, chữ X hoặc làm giàn như bầu bí…
Chất liệu giàn có thể là tre, trúc, gỗ,…
Sau khi làm giàn bạn cần hướng cây để tất cả cành lá đều đón nắng đều nhau. Từ đó chúng sẽ cho nhiều quả.
Những cành lá bị sâu, héo,… bạn nên để ý và tỉa bỏ kịp thời để chúng tập trung nuôi hoa và quả.

Thu hoạch
Chỉ mất 40 – 50 ngày là bạn có thể thu hoạch những quả đậu rồng đầu tiên. Mỗi đợt quả, bạn có thể thu hoạch đến 20 – 30 ngày.
Thu quả xong bạn nên tiếp tục bổ sung phân bón, nước tưới và vun xới gốc để cây lấy lại sức cho những đợt quả tiếp theo.
Đậu rồng có tác dụng gì?
Bạn có thể chế biến loại quả này thành nhiều món ăn khác nhau. Theo các nghiên cứu, đậu rồng có những công dụng sau đây:
- Nhờ có hàm lượng canxi cao nhất so với những loại đậu khác mà đậu rồng được đánh giá là loại đậu tốt nhất cho xương khớp.
- Ngoài ra, chúng còn chứa nhiều vitamin thiết yếu cho cơ thể. Chính nhờ nguồn vitamin này mà chúng giúp tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa lão hóa.
- Thành phần quả còn chứa nhiều khoáng chất: đồng, sắt, mangan, magiê, phốt pho,… nên giúp phòng bệnh thiếu máu, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt,…
- Đặc biệt, hạt đậu rồng già còn là nguyên liệu chính cho bài thuốc trị đau dạ dày trong Đông y.

Tóm lại, với những thông tin về cách trồng, chăm sóc cây đậu rồng kể trên, bạn sẽ dễ dàng tự trồng được những giàn đậu xanh tốt cho nhiều quả. Đây thực sự là loại quả hữu ích cho sức khỏe. Nếu có thể tận dụng được không gian, bạn hãy trồng để cả gia đình có nguồn dinh dưỡng siêu sạch nhé!
Chúc bạn thành công!