Kỹ thuật trồng ổi năng suất cao (hướng dẫn của chuyên gia)
Ổi là loại trái cây quen thuộc của người Việt Nam. Nếu bạn muốn lựa chọn một loại trái cây để phát triển kinh tế gia đình thì đây là lựa chọn không tồi. Hãy cùng đọc bài viết để học hỏi kỹ thuật trồng ổi từ các chuyên gia nông nghiệp. Nhờ vị chua chua ngòn ngọt và chứa nhiều vitamin C mà chúng luôn được nhiều người ưa chuộng. Nhờ vậy mà lúc nào cũng có đầu ra. Cùng học hỏi để trồng được vườn ổi năng suất cao hoặc tự trồng vài cây cho cả gia đình dùng ổi sạch nhé!

Về cây ổi
Đặc điểm
Nhờ đặc điểm dễ trồng, dễ chăm sóc mà ổi là loài cây quen thuộc thường thấy ở những vùng nông thôn nước ta. Cây có chiều cao trung bình từ 3 – 5m với những cành nhỏ và vuông cạnh.
Lá ổi mọc đối xứng nhau với phần cuống ngắn, lá hình bầu dục và có gân. Mặt trên lá thường nhẵn hoặc có lông thưa thớt, mặt dưới có lông mịn.
Hoa ổi có màu trắng, thường mọc ra từ các kẽ lá. Quả ổi mọng và ở đầu quả có vết lõm của đài hoa. Mỗi giống ổi khác nhau sẽ có hình dạng đặc trưng riêng. Bên trong quả ổi có nhiều hạt nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay có giống ổi không hạt cũng rất được ưa chuộng.
Cây ổi ưa khí hậu ẩm, lượng mưa nhiều. Bộ rễ của chúng ăn sâu vào đất và có khi sâu đến mực nước ngầm nên ở những vùng có mực nước ngầm thấp và trời hạn hán kéo dài chúng cũng phát triển ổn định. Tuy vậy, những vùng mưa nhiều, nước ngập gốc, rễ ổi có xu hướng quay ngược lên mặt đất nên ít bị ngạt. Nhờ vậy mà đôi khi cây ổi bị ngập vài ngày cũng không ảnh hưởng nhiều.
Quả ổi chứa nhiều vitamin, khoáng chất, giàu chất xơ và ít chất béo nên khá phù hợp với chị em phụ nữ – đặc biệt là những người muốn giảm cân, đẹp da.
Phân loại các giống ổi
Thị trường hiện nay có khá nhiều giống ổi khác nhau. Mỗi giống lại có những nét đặc trưng riêng về mùi vị. Kỹ thuật trồng ổi thì không khác nhau mấy nhưng mỗi giống ổi có những đặc trưng khác nhau. Cụ thể như sau:
Giống ổi Đài Loan
Đây là giống ổi rất dễ trồng, cho năng suất cao và phù hợp với thổ nhưỡng vùng đồng bằng Bắc Bộ. Chúng cho quả quanh năm, trọng lượng quả lại nặng (có quả lên đến gần 1kg). Mỗi năm 1 cây cho đến 1 – 2 tạ quả.
Ngoài ra, khả năng chống chịu với sâu bệnh của ổi Đài Loan khá tốt nên chúng cũng được trồng nhiều.

Giống ổi găng
Là giống ổi quả nhỏ, tròn căng, khi chín chuyển màu vàng trắng. Vị ổi khi sắp chín mát, ngọt, giòn ngon, khi chín chúng mềm, ngọt đậm.
Là loại ổi ưa khí hậu ẩm. Do đó, để kỹ thuật trồng ổi đúng chuẩn, các chuyên gia khuyên bạn nên dựa vào đặc điểm vùng miền mà chọn thời điểm trồng thích để cho năng suất cao.
- Miền Nam có thể chọn thời điểm tháng 3, tháng 4 để trồng.
- Miền Bắc bạn nên trồng vào đầu mùa mưa (khoảng 2 và tháng 3).

Giống ổi 4 mùa
Chúng có tên này bởi vì đặc tính ổi cho thu hoạch quanh năm. Quả ổi thuôn dài, kích thước lớn hơn ổi găng nhưng nhỏ hơn giống ổi Đài Loan.
Ổi 4 mùa ưa khí hậu nắng nóng. Vào mùa nắng quả ổi ngọt và chắc hơn. Vào mùa mưa độ ngọt cuả quả giảm sút và thịt ổi xốp, kém ngon.

Hướng dẫn kỹ thuật trồng ổi
Đây là cách mà KhuyenNongTPHCM học hỏi từ các chuyên gia để chia sẻ cùng quý độc giả của mình. Bạn nên tiến hành như sau:
Chọn thời điểm trồng
Ổi là loại cây dễ tính nên bạn có thể trồng vào bất kỳ thời điểm nào trong năm nhưng để cây cho năng suất cao nhất bạn nên trồng vào mùa xuân khi trời có mưa và đất đủ ẩm.
Làm đất
Trước khi trồng bạn nên làm đất kỹ, đào hố kích thước 60x60x60cm hoặc 80x80x80cm.
Sau đó, bạn bón lót cho mỗi hố bằng 5kg phân chuồng ủ hoai, 1kg phân super lân, 100g urê và 100g kali để cung cấp dinh dưỡng cho cây. Việc này nên tiến hành trước khi trồng 30 ngày.
Chuẩn bị cây giống
Tùy nhu cầu gia đình và sở thích của mọi người nơi tiêu thụ mà bạn chọn giống ổi phù hợp.
Bạn liên hệ những vườn ươm cây giống để chọn. Cây giống nên chọn cây có ít nhất 1 đợt mầm dài tối thiểu 15cm và không có lộc non. Chọn những cây khỏe mạnh không sâu bệnh.
Bạn cũng có thể tự ươm hạt nhưng với việc ươm hạt giống ổi, bạn mất công chăm sóc chúng khá lâu mới được thu hoạch.
Tiến hành trồng cây
Chọn thời điểm mát mẻ, đất đủ ẩm và tiến hành trồng. Kỹ thuật trồng ổi không khó nhưng bạn cố gắng thực hiện đúng hướng dẫn nhé!
Bạn nhẹ nhàng tách bỏ lớp ngoài của bầu cây ổi giống, tránh làm vỡ bầu.
Đặt cây vào giữa hố và lấp đất lại phủ đất qua cổ rễ đồng thời nén chặt gốc để cố định cây. Nếu trời thường xuyên có gió, bạn nên cột 2 – 3 cây vào thân cây để chống đỡ tránh gãy đổ cây.
Sau khi trồng bạn tưới đẫm nước để dẽ đất và cung cấp ẩm cho cây.
Khi trồng ổi bạn lưu ý nên theo hàng. Mỗi hàng cách nhau 3 – 4m, mỗi cây cách nhau 3 – 4m để cây có không gian phát triển.

Cách chăm sóc cây ổi
Khi chăm sóc ổi, bạn chú ý những yếu tố sau:
Tưới nước
Cây ổi mới trồng, bạn nên tưới nước thường xuyên mỗi ngày 1 – 2 lần để cây đủ ẩm, nhanh bén rễ vào đất mới. Có thể phủ vào gốc 1 lớp rơm rạ để hạn chế bốc hơi nước.
Sau khi cây đã phát triển ổn định, bạn có thể tưới nước ít lại.
Tỉa cành
Nên tỉa cành tạo tán để hạn chế chiều cao của cây, các cành phát triển đồng đều, hứng ánh sáng đầy đủ để cho quả nhiều hơn. Đây là kỹ thuật trồng ổi quan trọng nhưng có thể nhiều người bỏ qua.
Nên bấm ngọn khi cây cao 60 – 80cm.
Ngoài ra, những cành mọc vượt, cành tăm hay những cành sâu bệnh, bạn nên tỉa bỏ.
Việc tỉa cành nên thực hiện khi trời nắng ráo để vết cắt nhanh ráo, không tạo cơ hội cho sâu bệnh phát triển.
Bón phân
Ngoài đợt phân bón lót, bạn nên bổ sung dinh dưỡng bằng cách bón phân cho cây vào những đợt như sau:
- Sau khi trồng cây được 1 tháng, bạn bón cho cây bằng 100 – 200g NPK.
- Cứ 3 tháng bạn bón cho cây 1 đợt phân tương tự.
- Khi cây bắt đầu kết trái, bạn bón mỗi cây 100 – 300g NPK 12-5-10-4 mỗi tháng 1 lần và đợt cuối là khi trái gần chín.
Cách bón phân như sau: Bạn nên bón khi đất ẩm. Rải đều phân lên mặt đất quanh gốc cây. Sau đó tưới nước nhẹ nhàng để phân tan trong nước và ngấm vào đất. Nếu gặp thời tiết khô hạn, bạn nên hòa phân tan hẳn trong nước rồi tưới vào gốc cây.
Phòng trừ sâu bệnh
Để phòng trừ sâu bệnh bạn nên giữ gốc cây thông thoáng, không để cỏ phát triển. Vườn ổi phải sạch sẽ để hạn chế tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển. Ngoài ra, đây cũng là cách giảm sự hao hụt dinh dưỡng trong đất quanh cây. Nếu bạn áp dụng đầy đủ các bước trong kỹ thuật trồng ổi nhưng lại không quan tâm đến vấn đề cỏ dại thì đó là một thiếu sót lớn.
Hạn chế dùng phân tươi, nước bẩn tưới cây để tránh gây ảnh hưởng đến cây.
Cây ổi thường bị các loại sâu bệnh như rệp sáp, sâu kén đục lá, sâu róm ăn lá và quả non, sâu ăn lá, dòi đục quả,… Bạn có thể dùng những loại thuốc như Sherpa 0,2-0,3%, Trebon 0,2%, bẫy bã sinh học như Vizubon, … để phòng trừ kịp thời.

Thu hoạch và cách bảo quản ổi đúng cách
Thu hoạch
Như đã nói ở trên, bạn có thể áp dụng kỹ thuật trồng ổi này với việc ươm hạt hay trồng từ cành chiết. Nhưng thời gian thu hoạch từ khi ươm là khoảng 4 năm. Trong khi đó, chiết cành, bạn chỉ mất 2 năm trồng và chăm sóc.
Bạn nên thu hoạch khi quả bóng, chuyển màu nhạt hơn. Từ khi ra hoa cho đến khi thu hoạch mất tầm 3 tháng. Cây ổi sẽ cho sai quả hơn khi chúng đã trưởng thành. Do vậy, ổi tơ cho ít quả, bạn cũng đừng lo lắng quá.
Cách bảo quản quả ổi
Là loại trái cây nhanh chín nên sau khi thu hái, bạn nên bảo quản ở nhiệt độ từ 5 – 15 độ C và độ ẩm 85 – 90%. Với điều kiện này, quả ổi sẽ giữ được độ tươi từ 3 – 4 tuần.

Như vậy, đến đây bạn đã nắm được cách trồng và chăm sóc ổi để cho năng suất cao. Đây là kỹ thuật trồng ổi chúng tôi đã học hỏi từ những chuyên gia nông nghiệp nên bạn cứ tiến hành nhé! Hy vọng những kiến thức này sẽ hữu ích đối với bạn.
Chúc bạn sớm trồng được những cây ổi trĩu quả đem lại thu nhập cao cho gia đình!