Trồng rau muống theo phương pháp hữu cơ để thu rau siêu sạch
Một loại rau quen thuộc từ thành thị đến nông thôn, từ những bữa ăn gia đình cho đến những bữa tiệc tùng đều thấy sự xuất hiện của chúng. Đó là rau muống, hẳn bạn cũng đã quá quen với chúng rồi đúng không? Hôm nay, bạn sẽ cùng với Khuyến Nông TPHCM tìm hiểu đặc điểm, công dụng và cách trồng loại rau này theo phương thức hữu cơ. Từ đó bạn sẽ thu được thành phẩm rau siêu sạch cung cấp cho những bữa ăn gia đình. Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Giới thiệu về rau muống
Đặc điểm
Đây là loài cây thân thảo, có khả năng sống cả trên cạn và trên mặt nước. Thân rau có nhiều đốt, dày, bên ngoài nhẵn, bên trong rỗng. Rễ có thể mọc ra tại những đốt thân. Một đặc điểm đặc biệt là mùa hè thân rau muống không có lông nhưng mùa đông lại có lông.
Lá rau chia làm 3 cạnh, đầu lá thuôn nhọn, với một số loai lá có hình dáng thon dài và bản hẹp. Kích thước phiến lá rộng từ 3,5 – 7cm, chiều dài từ 7 – 9cm. Cuống lá dài tầm 3 – 6cm.
Hoa rau muống có màu hồng tím hoặc màu trắng, ống hoa có màu tím nhạt. Mỗi cuống có thể mọc 1 hoặc 2 hoa. Quả có hình cầu với đường kính từ 7 – 9mm, bên trong quả thường chứa 4 hạt màu nâu với đường kính hạt chỉ khoảng 4mm.
Phân loại
Ở nước ta, loại rau này rất phổ biến và được chia làm 2 loại là rau muống trắng và tía. Đặc điểm của 2 loại này tương đối giống nhau và điểm khác nhau cơ bản của 2 loại là:
- Rau muống trắng thường được trồng trên cạn.
- Rau muống tía thường mọc hoang hoặc trồng dưới nước. Chính vì vậy mà chúng còn có tên gọi khác là rau muống đồng hay rau muống ruộng.

Rau muống có tác dụng gì?
Sau nhiều nghiên cứu, người ta đã chỉ ra loại rau này đem lại khá nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Cụ thể là những công dụng sau:
- Là nguồn vitamin dồi dào cho cơ thể, giúp trẻ hóa làn da, điều trị những bệnh ngoài da, ngăn ngừa lão hóa và giữ mái tóc chắc khỏe;
- Làm giảm cholesterol, chống béo phì và bảo vệ sức khỏe tim mạch;
- Là loại rau hỗ trợ tốt cho những bệnh nhân tiểu đường và góp phần phòng chống tiểu đường;
- Giảm nguy cơ thiếu máu;
- Giúp mắt sáng khỏe hơn;
- Trị bệnh vàng da và hỗ trợ chức năng gan;
- Điều trị táo bón và những chứng khó khăn trong việc tiêu hóa thức ăn;
- Phòng ngừa một số loại ung thư.
Lưu ý khi ăn rau muống
Do hàm lượng chất xơ cao nên loại rau này không phù hợp với những người mới ốm dậy, mới phẫu thuật hay thải khí.
Phụ nữ mang thai hoặc đang trong chu kỳ kinh nguyệt cũng không nên dùng nhiều rau muống.
Những người tỳ vị yếu, cơ thể hư hàn, suy dinh dưỡng cũng hạn chế ăn chúng bởi rau có tính hàn, dễ gây tiêu chảy.
Ngoài ra, tính hàn này cũng làm giảm hay mất tác dụng của các loại thuốc Đông y như xuyên khung, đương quy, hoàng kỳ, hà thủ ô hay nhân sâm. Chính vì vậy khi dùng những vị thuốc trên bạn tuyệt đối không ăn rau muống. Nếu có ăn, nên giãn cách thời gian từ 3 – 5 giờ để không ảnh hưởng.

Hướng dẫn trồng rau muống hữu cơ
Để trồng rau theo phương thức hữu cơ bạn tiến hành theo trình tự sau:
Dụng cụ và đất trồng
Để trồng tại nhà khi không có đất vườn, bạn hãy chuẩn bị thùng xốp, khay chậu,… Nên dùng những loại chậu thông minh để tiết kiệm công chăm sóc lại giúp rau tươi tắn.
Để rau sạch hoàn toàn, bạn cũng cần chuẩn bị đất sạch hữu cơ. Loại đất được chọn phải tơi xốp, giàu dinh dưỡng và không chứa mầm bệnh. Trước khi trồng nên trộn đất với xơ dừa, tro trấu và những loại phân chuồng, phân trùn quế,… để tăng dưỡng chất cũng như độ tơi của đất.
Chuẩn bị hạt giống
Bạn có thể nhân giống rau muống một cách dễ dàng bằng hạt. Lựa chọn hạt giống chất lượng ở những nơi bán uy tín để có tỷ lệ nảy mầm cao.
Trước khi gieo bạn nên xử lý hạt giống qua ngâm ủ để kích thích nảy mầm và tiêu diệt mầm bệnh. Bạn chỉ cần thực hiện đơn giản bằng cách pha nước khoảng 40 độ C rồi ngâm nước vào trong 4 – 6 tiếng. Sau đó rửa sạch hạt thật sạch, loại bỏ hạt lép rồi ủ hạt trong khăn ấm trong 6 – 10 tiếng cho hạt nứt nanh rồi đem đi gieo.
Tiến hành gieo hạt
Cho đất đã chuẩn bị vào chậu rồi san bằng mặt đất. Sau đó tưới nhẹ nhàng một lớp nước mỏng để cấp ẩm cho đất rồi gieo hạt giống rau muống vào.
Bạn nên gieo theo hàng, mỗi hàng cách nhau 15cm, mỗi hốc gieo cách nhau 10 – 12cm và nên cho 2 – 3 hạt vào cùng 1 hốc.
Phủ lên hạt một lớp đất mỏng rồi tưới tiếp 1 lần nước nữa.
Che chắn chậu để hạn chế bị ảnh hưởng bởi nắng mưa.

Chăm sóc rau muống
Tưới nước
Mỗi ngày tưới cây 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Sau 5 – 7 ngày cây con mọc lên, bạn đem cây ra nắng để lá quang hợp tạo dinh dưỡng nuôi cây. Nhưng nên tránh ánh nắng gắt.
Vào mùa mưa, bạn nên chú ý đến độ ẩm đất mà tưới nước hay không, đừng tưới nhiều quá dễ bị úng rễ.
Vun gốc
Để cây đứng vững, không xiêu vẹo do mưa gió, khi cây cao tầm 3 – 5cm, bạn vun gốc cho rau. Thao tác thực hiện nhẹ nhàng, cẩn thận để không ảnh hưởng đến rễ cây.
Bón phân
Cung cấp phân bón cho rau muống là điều cần thiết để cây đầy đủ dinh dưỡng phát triển. Vì chúng tôi đang hướng bạn đến việc trồng rau hữu cơ nên không khuyến khích dùng phân vô cơ. Bạn nên dùng phân hữu cơ, phân chuồng, phân trùn quế,… Tuy chúng không đem lại tác dụng nhanh chóng cho rau nhưng an toàn cho sức khỏe con người và môi trường sống.
Khi cây được 10 ngày tuổi bạn hòa loãng phân vào nước rồi tưới vào gốc cây. Sau 10 – 15 ngày lại bón tiếp một đợt phân như vậy.
Phòng trừ sâu bệnh
Quá trình cây rau muống sinh trưởng và phát triển, bạn hãy giữ cho chậu rau thông thoáng. Những lá vàng, héo nên được loại bỏ kịp thời để không tạo môi trường cho sâu bệnh sinh sôi.
Khi rau có dấu hiệu bị sâu bệnh tấn công, bạn hãy sử dụng những chế phẩm sinh học để diệt trừ. Dung dịch được dùng phổ biến nhất là gừng, tỏi và ớt.
Tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học nhé!
Thu hoạch
Chỉ sau khoảng 40 – 50 ngày gieo trồng là bạn có thể thu hoạch rau muống đợt đầu tiên.
Bạn hãy dùng dao bén để cắt ngang thân cách gốc tầm 2 – 3cm để cây tiếp tục phát triển và cho thu lứa mới.
Sau khi thu hoạch hết chậu rau, bạn bón thêm 1 đợt phân để cây lấy lại sức nhanh chóng.

Rau muống là loại rau xanh phổ biến, bạn có thể chế biến được khá nhiều món ăn từ chúng như hấp, luộc, xào, nấu canh,… Do rau trên thị trường thường dư lượng thuốc trừ sâu hay những hóa chất kích thích sinh trưởng nên tốt nhất là bạn hãy tự trồng tại nhà theo phương thức hữu cơ như những hướng dẫn bên trên để cả gia đình có nguồn rau siêu sạch dùng nhé! Rau hữu cơ vừa an toàn vừa bổ dưỡng hơn so với những loại rau khác nên bạn ưu tiên phương pháp này nhé!
Chúc bạn sớm có những chậu rau xanh tốt nhé!