Rau ngót có trồng bằng những chậu nhựa thông minh được không?
Vào những ngày hè oi ả, hẳn không dưới một lần bạn nghĩ đến chén canh rau ngót ngon ngọt dịu mát xua tan cái nắng ấy. Nhưng đâu phải lúc nào cũng có rau tươi ngon để nấu canh ngay. Đối với những gia đình thuần nông thì tương đối dễ, chỉ cần “dắt bờ rào” vài nhành cây là có ngay những cây xanh tốt. Nếu sống ở những nhà phố, bạn sẽ cảm thấy khó khăn hơn. Bạn sẽ băn khoăn liệu rằng việc trồng chúng trong những chậu nhựa thông minh có khó không? bao lâu thì thu hoạch được? cây có kém sức sống hay không?… Những thắc mắc này sẽ được giải đáp ngay sau đây. Cùng tìm hiểu nhé!

Đặc điểm cây rau ngót
Đây là loại rau có khá nhiều tên gọi khác nhau như bù ngót, rau tuốt, bồ ngót,… Chúng có tên khoa học là Sauropus androgynus. Bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy chúng mọc hoang ở nhiều nơi, đặc biệt là khu vực nhiệt đới.
Đây là loài cây thân bụi, chiều cao có thể vươn đến 2 – 3m. Khi già thân sẽ cứng cáp và chuyển màu nâu. Lá rau ngót có hình bầu dục, mọc so le qua tán lá nhỏ dọc thân cây. Màu lá xanh thẫm, chính giữa thường có mảng màu trắng. Vị rau khá giống với măng tây và thường chỉ dùng lá non để chế biến món ăn.
Quả ngót có kích thước nhỏ, hình dáng giống quả cà pháo.
Giống rau này chứa nhiều vitamin đặc biệt là vitamin C và vitamin K. Hàm lượng đạm, vôi trong rau ngót khá cao.

Cách trồng rau ngót bằng chậu nhựa thông minh
Chuẩn bị đất trồng
Loại rau này có thể mọc hoang nên không kén đất. Chúng dễ thích nghi với nhiều môi trường đất khác nhau như đất cát pha, đất phù sa hay đất thịt… Nhưng nếu có thể, bạn hãy chuẩn bị đất thịt pha sét do đặc tính của đất giàu dinh dưỡng, khả năng giữ ẩm cao.
Để đạt năng suất cao, bạn nên chọn đất có độ pH từ 5,5 – 7. Ngoài ra, hãy giữ đất trồng rau ngót không bị khô hay ngập úng lâu ngày.
Đặc biệt, trước khi trồng bạn nên bón lót cho đất bằng những loại phân có nguồn gốc hữu cơ để đất đủ dinh dưỡng.
Chuẩn bị chậu nhựa thông minh
Bạn cũng có thể chuẩn bị thùng xốp hay bao ximăng cũng trồng được rau ngót. Nhưng chúng tôi hướng bạn chọn chậu nhựa thông minh để việc trồng rau ở nhà phố được thuận lợi hơn.
Bạn sẽ không mất nhiều thời gian chăm sóc cây vì chậu này chống ngập úng khá tốt nhờ vào tấm lưới lọc giữa 2 phần chậu. Phần dưới chứa nước thừa sẽ cung cấp lại cho đất nên đất luôn đủ ẩm.
Hơn nữa, chậu nhựa thông minh, đặc biệt là loại chậu ghép thông minh sẽ rất thẩm mỹ và sạch sẽ cho khu vườn đáng yêu của bạn.
Chuẩn bị và nhân giống rau ngót
Rau ngót được nhân giống dễ dàng bằng 2 phương pháp là gieo hạt hoặc giâm cành.
- Hạt giống rau ngót được bán khá nhiều trên thị trường. Bạn không khó khăn gì để sở hữu chúng. Nhưng cách này sẽ làm mất của bạn khá nhiều thời gian lại có tỷ lệ nảy mầm không cao.
- Nhân giống bằng cành giâm được lựa chọn nhiều hơn bởi tiết kiệm thời gian, cây lại phát triển khỏe mạnh. Chỉ cần chuẩn bị những cành khỏe mạnh, không bị tổn thương và không sâu bệnh làm cành giống. Chiều dài cành khoảng từ 20 – 25cm.
Tiến hành giâm cành rau ngót
Cho đất vào chậu đã chuẩn bị.
Ghim xéo cành giống vào đất một góc 45 độ và độ sâu phần chìm trong đất khoảng 2/3 tổng chiều dài cành giâm. Khoảng cách giữa những cành giâm tầm 15cm.
Dùng tay nén chặt đất lại để không bị đổ ngã. Sau đó tưới nước cấp ẩm cho chậu trồng.
(Lưu ý: Để kích thích cây nhanh ra rễ bạn có thể dùng những dung dịch kích rễ).

Kỹ thuật chăm sóc rau ngót
Tưới nước
Rau này ưa ẩm nên bạn tưới mỗi ngày 2 lần vào sáng sớm và chiều mát để cây đủ nước.
Tuyệt đối không tưới nước cho cây trồng vào ban đêm vì đất ẩm qua đêm là môi trường thuận lợi cho nấm bệnh phát triển.
Vun gốc
Trồng rau ngót khoảng 2 tuần thì bạn sẽ thấy mầm non xuất hiện. Việc cần làm lúc này là nên vun gốc để rau bám chặt vào đất lấy dinh dưỡng nuôi cây.
Bón phân và phòng trừ sâu bệnh
Khi cây ra lá non (sau khoảng 1 tháng kể từ ngày giâm), bạn nên bón phân hữu cơ để đất thêm giàu dinh dưỡng. Chỉ cần hòa loãng phân trong nước rồi tưới vào gốc cây.
Việc cung cấp phân bón nên thực hiện thương xuyên mỗi tháng 1 lần để cây lâu cỗi. Hoặc khi thu hoạch xong bạn cũng nên bón phân cho cây lấy lại sức.
Rau bồ ngót ít bị sâu bệnh tấn công làm giảm năng suất. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cây bị sâu ăn lá xuất hiện. Bạn chỉ cần bắt thủ công hoặc dùng dung dịch gừng, tỏi, ớt để tiêu diệt chúng.
Thu hoạch
Sau 2 tháng trồng và chăm sóc rau ngót bạn sẽ thu được đợt lá đầu tiên. Bạn có thể cắt ngang nhánh cây hoặc tuốt lá. Thu hái lá xong ngoài việc bón phân, bạn còn nên vun xới gốc. Đồng thời, hãy tỉa bỏ những cành già, yếu để không hao phí dinh dưỡng.
Nếu chăm sóc tốt, cây sẽ cho lá đến 5 năm.

Rau ngót có những công dụng gì?
Công dụng
Một lợi ích mà loại rau này đem lại mà bạn thường thấy là dùng làm rau nấu canh vì chúng ngọt mát, dễ ăn. Ngoài ra, cả lá, thân, rễ cây đều hữu ích. Cụ thể như sau:
- Giúp lợi tiểu, bổ máu, giải độc cơ thể, đặc biệt tốt trong việc giảm nguy cơ sót nhau cho những sản phụ sau sinh;
- Lá rau ngót chữa viêm phổi, ho, sởi, tiểu rắc,…
- Rễ cây giúp lợi tiểu, thông huyết, kích thích co bóp ở tử cung.
Tuy nhiên, nếu muốn dùng chữa bệnh bạn nên chọn những cây có tuổi thọ từ 2 năm trở lên vì lúc này thành phần dược tính mới nhiều nhất.
Lưu ý khi sử dụng
Mặc dù có nhiều lợi ích nhưng nếu không dùng đúng cách cũng gây không ít phiền toái. Bạn nên lưu ý những điều sau đây khi sử dụng rau ngót:
- Đây là loại rau gây mất ngủ, những người hay khó ngủ không nên ăn nhiều. Nếu muốn dùng bạn hãy nấu chín, đừng dùng dưới dạng nước ép hay ăn sống nhé;
- Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu không nên dùng rau này bởi trong thành phần của lá rau ngót chứa papaverin gây co thắt tử cung dễ dẫn đến sảy thai. Nên nấu chín kỹ khi dùng và không nên ăn quá nhiều.
- Những người có tiền sử đẻ non hay cơ địa dễ sảy thai không nên dùng rau ngót sống.

Đây đúng là loại rau mang lại nhiều lợi ích lại rất dễ trồng đúng không? Đến đây những băn khoăn của bạn về rau ngót được gỡ bỏ. Hãy trồng chúng ngay tại nhà mình nếu có thể tận dụng không gian nhé! Một chậu rau sẽ cho thu hoạch khá lâu nếu bạn chăm sóc đúng cách đấy. Dùng loại chậu này bạn sẽ yên tâm về tính thẩm mỹ cũng như không cần bỏ công chăm sóc nhiều. Còn ngại ngùng gì nữa? Hãy bắt tay vào việc lên kế hoạch trồng rau để cung cấp rau sạch cho các thành viên trong gia đình mình nhé!
Chúc bạn và gia đình luôn vui!