Trồng dưa leo năng suất cao tại nhà bằng thùng xốp
Dưa leo được dùng phổ biến trong các bữa ăn gia đình. Vì hiện nay, tình hình rau củ quả nhiễm bẩn quá nhiều nên nhiều nhà có xu hướng tự trồng dưa leo cho cả nhà sử dụng nhằm đảm bảo sức khỏe cho mỗi thành viên trong gia đình. Để trồng được những giàn dưa leo sai trĩu quả, bạn phải có những kiến thức nhất định. Với bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn những kỹ thuật trồng và chăm sóc loại quả này. Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Đặc điểm của dưa leo
Dưa leo là loại cây ăn quả thuộc họ bầu bí (Cucurbitaceae) với tên tiếng Anh là Cucumber, tên khoa học là Cucumis Sativus.
Đây là một loại cây thân leo, có nguồn gốc từ vùng Nam Á và hiện nay chúng đã phổ biến trên khá nhiều quốc gia như: Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Ba Lan, Tây Ban Nha, Việt Nam,…
Hiện có nhiều giống dưa leo khác nhau. Chúng cho khá nhiều quả mỗi đợt. Ngoài việc trồng dưa leo để dùng tại nhà, nhiều nông dân đã triển khai trồng với số lượng lớn phục vụ mục đích kinh tế.
Với tính mát, hơi giòn, loại quả này được rất nhiều người yêu thích.

Kỹ thuật trồng dưa leo
Chuẩn bị đất và dụng cụ trồng
Bạn nên chuẩn bị đất giàu dinh dưỡng hữu cơ, đất pha cát để trồng dưa leo. Trước khi trồng, bạn nên trộn đất cùng với tro trấu, gỗ mùn, phân bò ủ hoai để cung cấp thêm dinh dưỡng cho đất.
Nếu dùng đất đã qua sử dụng, bạn nên bón vôi bột để khử mầm bệnh, phơi ải 7 – 10 ngày rồi mới trồng.
Để trồng dưa leo tại nhà, bạn có thể sử dụng thùng xốp, chậu nhựa, khay lớn để trồng. Dung cụ trồng phải có lỗ thoát nước để không làm úng rễ cây.
Chuẩn bị hạt giống
Bạn có thể mua hạt giống dưa leo về tự gieo trồng hoặc cũng có thể mua cây con ươm sẵn, đã đủ cứng cáp về trồng.
Nếu mua hạt về ươm, bạn nên xử lý hạt giống bằng cách ngâm ủ để kích thích hạt nảy mầm. Tiến hành ngâm ủ như sau: Cho hạt giống vào nước ấm tỷ lệ pha 2 sôi : 3 lạnh để ngâm khoảng 2 – 3 tiếng. Sau đó, bạn vớt hạt giống ra rửa sạch và ủ vào khăn ấm cho đến khi hạt giống nứt nanh thì đem gieo vào đất.
Tiến hành gieo hạt
Nên gieo hạt trong bầu ươm hoặc viên nén xơ dừa để thuận tiện cho việc chăm sóc. Bạn cho đất vào bầu, tưới nước cho ẩm đất rồi ươm hạt vào với độ sâu khoảng 0,5cm. Sau đó phủ lên một lớp đất mỏng.
Bạn cũng có thể phủ lên một lớp rơm rạ để giữ ẩm cho đất. Đặt bầu ươm ở nơi khô thoáng, có ánh nắng nhẹ và tưới nước hằng ngày để cây nhanh nảy mầm.
Khi trồng dưa leo được 1 tuần, bạn sẽ thấy hạt giống xuất hiện. Vẫn chăm sóc cho đến khi cây được 10 – 15cm thì đem trồng ra chậu.
Cách trồng dưa leo vào chậu
Bạn chỉ cần lựa chọn thời điểm trời mát mẻ để trồng. Nhẹ nhàng cắt bỏ túi nilong của bầu ươm và trồng cây vào chậu. Nên đảm bảo khoảng cách đủ rộng để chúng phát triển khỏe mạnh.
Sau khi trồng xong, bạn tưới đẫm nước để cây nhanh bén rễ vào đất mới.

Kỹ thuật chăm sóc dưa leo
Trong quá trình chăm sóc cây, để có những cây khỏe mạnh, cho nhiều quả, bạn nên chọn vị trí đặt cây ở nơi có nhiều ánh nắng (ít nhất là 6 – 8 giờ mỗi ngày). Ngoài ra bạn còn phải lưu ý những yếu tố sau:
Tưới nước
Cây dưa leo ưa nước đặc biệt là giai đoạn cây trổ hoa. Nếu giai đoạn này cây không được cung cấp đủ nước, năng suất quả sẽ không đạt.
Khi cây đang trổ hoa, khả năng chống chọi của chúng khá lớn rồi. Bạn không lo đến việc cây bị úng nước đâu nhé!
Cách làm giàn dưa leo
Là cây thân leo lên nên nhất thiết bạn phải làm giàn để chúng phát triển. Giàn dưa leo không quan trọng vật liệu chỉ cần chắc chắn và đáp ứng được chiều cao để tiện thu hái.
Bạn chỉ cần làm giàn chữ A bằng dây hoặc thép mỏng là được.
Bón phân
Để cây đủ dinh dưỡng bạn nhất thiết phải cần bón phân cho cây. Tùy vào giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây mà bạn sử dụng loại phân và liều lượng thích hợp.
Do trồng cho gia đình dùng nên chúng tôi khuyên bạn nên dùng phân hữu cơ để không ảnh hưởng đến sức khỏe nhé!
Phòng trừ sâu bệnh trên dưa leo
Để đạt năng suất cao, ngoài việc chăm sóc tốt, bạn còn cần quan tâm đến vấn đề phòng trừ sâu bệnh. Khi trồng dưa leo bạn nên lưu ý những loài sâu bệnh sau đây:
- Dế hay sâu xám: Xuất hiện lúc cây còn non yếu. Chúng hay cắn ngang thân cây dẫn đến chết cây. Đối với loại này, bạn có thể dùng Basudin 10H rắc vào đất là được.
- Bọ trĩ: Là loại chuyên hút nhựa cây từ khi chúng chỉ còn là những đọt non. Bạn có thể dùng Regent, Confidor, Polytrin, Selecron để phòng trị.
- Sâu vẽ bùa: Xuất hiện suốt trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Bạn có thể thấy chúng để lại những hình vẽ lung tung trên lá. Đối với bọn này, khi trồng dưa leo, bạn có thể dùng Sherpa, Vertimex, Polytrin, Trigard để phòng trị.
- Sâu xanh ăn lá: Tên gọi đã thể hiện tác hại của chúng. Bọn sâu này phá hủy lá và vỏ quả dưa leo khiến lá không thể phát triển được còn vỏ trái thì để lại sẹo lỗ mất thẩm mỹ. Chúng sẽ bị tiêu diệt bởi Karate, Polytrin, Sherpa.
Thu hoạch và bảo quản dưa leo
Thu hoạch
Chỉ mất 60 – 80 ngày là bạn bắt đầu thu hoạch. Bạn nên chọn những quả lớn hái trước. Khi hái quả, bạn nên hái lúc trời mát mẻ.
Sau khi thu hoạch, bạn nên bón phân để chúng nhanh lấy lại sức nuôi lứa quả tiếp theo.
Cách bảo quản
Để giữ dưa leo được tươi lâu, bạn nên dùng giấy ăn gói kín quả lại rồi cho vào túi nilong buộc chặt và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Trước khi dùng, bạn cũng đừng quên rửa sạch và ngâm trong nước muối 30 phút để loại bỏ vi khuẩn.

Như vậy đến đây bạn đã nắm được cách trồng dưa leo đạt năng suất cao chỉ bằng cách dùng những thùng xốp hay chậu cây tại nhà. Những kiến thức trên rất hữu ích cho bạn đấy! Nhanh tay thử trồng vài chậu để cả nhà có dưa leo sạch dùng thường xuyên nhé!
Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh!