Trồng rau sạch tại nhà tiện lợi bằng chậu nhựa thông minh
Tự trồng rau phục vụ bữa ăn gia đình đang là xu hướng ở những thành phố lớn. Đây không chỉ là việc cung cấp rau sạch mà còn là một cách giải trí tuyệt vời sau giờ làm việc vất vả. Do đó, Khuyến Nông TPHCM sẽ hướng dẫn bạn cách trồng rau sạch tại nhà bằng những chậu nhựa thông minh rất tiện ích. Bằng cách dùng loại chậu này việc làm “nông dân phố” của bạn sẽ đơn giản hơn nhiều lần. Hãy cùng tìm hiểu nhé! Chắc chắn sẽ có nhiều điều thú vị dành cho bạn đấy!

Trồng rau sạch tại nhà đem lại những lợi ích gì?
Hiện nay mô hình trồng rau sạch tại nhà ngày càng được nhân rộng hơn bởi những lợi ích sau đây:
- Đem lại nguồn rau an toàn cho cả gia đình sử dụng, rau đầy đủ vitamin vì dùng rau tươi ngon, không qua bảo quản. Đặc biệt là không dư lượng thuốc trừ sâu hay thuốc kích thích sinh trưởng;
- Giúp mọi người thoải mái, dễ chịu và yêu đời hơn bởi giải tỏa được những áp lực cuộc sống và căng thẳng trong công việc hàng ngày;
- Giảm thời gian phụ thuộc vào công nghệ;
- Khiến không gian gia đình thêm xanh mát, điều hòa không khí;
- Ngoài ra, việc sử dụng những chậu nhựa thông minh còn giúp vườn rau thêm trang nhã, tinh tế, giúp rau phát triển ổn định, chống úng ngập và tiết kiệm công sức người chăm rau.

Chuẩn bị những gì trước khi trồng rau?
Để trồng rau sạch tại nhà bạn cần chuẩn bị những vật dụng cần thiết sau đây:
Chậu ghép trồng rau
Loại chậu này còn biết đến với tên gọi là chậu nhựa trồng rau thông minh. Đây là dụng cụ mà những “nông dân phố” rất nên đầu tư bởi chúng không những giúp thoát nước tốt, chống úng ngâp mà còn giữ nước ở tầng dưới rồi cấp lại cho cây trồng.
Việc này nếu như bạn sử dụng thùng xốp thì sẽ không dễ dàng có được vì sau một thời gian những lỗ thoát nước bên dưới đáy thùng bị đất đá bịt kín. Do đó dễ gây ngập úng dẫn đến chết cây.
Một điều đặc biệt là những chậu ghép này sẽ rất linh động nếu bạn muốn thay đổi kích thước cả chiều dài, chiều rộng lẫn chiều cao theo ý muốn. Không cần khung giàn mà bạn bẫn có thể xếp chồng chúng lên để tiết kiệm diện tích nữa đấy! Chúng khiến khu vườn rau của bạn thêm sang trọng và tinh tế hơn.
Chậu nhựa thông minh này còn một ưu điểm là rất bền. Thời gian sử dụng đến hơn chục năm.

Chuẩn bị đất trồng rau
Với kiểu trồng rau truyền thống (thổ canh) chắc chắn bạn cần đến đất trồng. Đất trồng rau sạch tại nhà cần đảm bảo sạch sẽ, giàu dinh dưỡng, không chứa mầm bệnh.
Trước khi trồng bạn nên trộn đất với phân hữu cơ, phân chuồng, phân trùn quế cùng với xơ dừa và tro trấu để tăng tính tơi xốp và dinh dưỡng cho rau sau này.
Dụng cụ làm vườn
Bộ dụng cụ làm vườn thông thường gồm có:
- Găng tay để bảo vệ đôi tay tránh xây xát và không ảnh hưởng hóa chất hay phân bón;
- Kéo tỉa cành dùng để loại bỏ những cành hư hoặc tỉa cành tạo tán cho cây;
- Xẻng xúc đất giúp trộn đất trước khi trồng;
- Bàn cào giúp dọn sạch chân đất, tránh sâu bệnh tiềm ẩn;
- Bình xịt nước đa năng để tưới nước nhiều chế độ cho rau trồng.
Tùy nhu cầu cũng như diện tích canh tác mà bạn chọn kích thước phù hợp. Những dụng cụ này sẽ khiến cho việc trồng rau sạch tại nhà của bạn được thuận tiện hơn.

Tiến hành trồng rau
Với những người mới bắt đầu, bạn nên chọn những loại rau dễ trồng để tạo hứng thú như rau muống, rau dền, những loại rau cải, rau thơm, xà lách, mồng tơi,… Tùy theo mùa mà bạn chọn giống rau để rau phát triển tốt nhất, đem lại nguồn dinh dưỡng ổn định.
Trước khi trồng bạn nên xử lý hạt giống qua ngâm ủ để tiêu diệt mầm bệnh và kích thích nảy mầm. Tùy loại hạt giống rau mà có thời gian ngâm ủ khác nhau. Ngâm ủ hạt qua nước ấm đến khi hạt nứt nanh thì đem đi gieo.
Thao tác gieo trồng rau sạch tại nhà như sau:
- Cho đất vào chậu đã chuẩn bị, dùng bàn cào san bằng mặt đất;
- Tưới nhẹ một lớp nước cho ẩm đất rồi gieo hạt giống vào. Mỗi loại rau có một mật độ gieo hạt khác nhau. Nên đảm bảo mật độ gieo để rau có không gian sinh trưởng. Bạn gieo hạt quá dày dễ khiến cây chậm phát triển mà còn dễ phát sinh sâu bệnh.
- Che chắn cho chậu trồng để tránh bị ảnh hưởng bởi mưa nắng;
- Mỗi ngày tưới nước từ 1 – 2 lần để hạt nhanh nảy mầm.
Những loại rau thơm như rau răm, húng quế, bạc hà, hành, ngò,… bạn có thể trồng chung một chậu.
Một số loại cây ăn quả như ớt, dưa leo, cà chua,… nên trồng mỗi cây một chậu. Ở gốc cây bạn có thể phủ thêm một lớp tro trấu hay rơm rạ để giữ ẩm.

Chăm sóc rau hàng ngày
Tưới nước
Tưới nước là việc không thể bỏ qua trong quá trình trồng rau sạch tại nhà. Cây đủ nước mới có khả năng sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ.
Mỗi ngày bạn tưới cây 1 – 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Tránh tưới ban đêm dễ tạo môi trường ẩm ướt qua đêm cho mầm bệnh phát sinh.
Mùa mưa bạn hạn tùy theo độ ẩm của chậu cây mà tưới nước. Nên chú ý vấn đề thoát nước để không bị ngập úng chết cây.
Ngoài nước sạch, bạn còn có thể tận dụng nước vo gạo, bã chè, cà phê,… để tưới cho rau.
Chế độ ánh sáng
Muốn cây phát triển cần phải có ánh sáng. Khi cây nảy mầm được 3 – 5cm, bạn nên cho cây tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để lá quang hợp tạo dinh dưỡng nuôi cây.
Tốt nhất bạn hãy chọn hướng đặt chậu cây nơi có ánh nắng mặt trời buổi sáng. Ngoài ra, bạn còn tùy thuộc vào loại rau mà có chế độ ánh sáng phù hợp. Trước khi trồng nên tìm hiểu đặc tính của rau để có chế độ chăm sóc tốt nhất.
Tỉa thưa và sang chậu
Nếu lỡ gieo hạt giống quá dày, bạn cũng đừng lo lắng quá! Chỉ cần đợi cây lớn tầm 5 – 7cm bạn nhổ tỉa thưa ra. Những cây nhổ đi có thể ăn sống hoặc sang ra những chậu mới và tiếp tục chăm sóc.
Đây là khâu quan trọng bạn cần để ý thực hiện để tạo không gian sống cho cây. Như vậy mới đảm bảo cây đủ dinh dưỡng để cây nhanh lớn.
Bón phân và phòng trừ sâu bệnh
Với cách trồng rau sạch tại nhà bạn lưu ý dùng các loại phân hữu cơ như phân chuồng ủ hoai, phân trùn quế,… để cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và an toàn nhất.
Nên theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời khi sâu bệnh xuất hiện bằng những chế phẩm sinh học để không ảnh hưởng đến sức khỏe các thành viên trong gia đình.

Việc trồng rau sạch tại nhà tương đối đơn giản. Chỉ cần bạn tận dụng được không gian thông thoáng, đầy đủ ánh nắng và có thời gian rảnh để chăm sóc là cả gia đình sẽ sớm có rau sạch sử dụng. Hãy trang bị chậu, dụng cụ trồng, hạt giống và tham khảo cách trồng từng loại rau để không gặp khó khăn trong việc trồng và chăm sóc rau nhé!